Cách nấu CHÈ ĐẬU XANH TRÂN CHÂU SƯƠNG SÁO

Trời hè oi bức này hẳn không ai có thể chối từ một ly chè mát lạnh, giải nhiệt và thật hấp dẫn với đậu xanh, sương sáo…

Nguyên liệu làm chè đậu xanh trân châu sương sáo:

  • Đậu xanh xát vỏ: 1 chén
  • Đường cát trắng: tùy lượng ăn
  • 50g sương sáo (thạch đen)
  • Trân châu lớn: 1 muỗng canh
  • Nước cốt dừa, lạc rang

Cách làm chè đậu xanh sương sáo:

Bước 1:

– Đậu đãi nhiều lần nước cho sạch rồi đem ngâm ít nhất 7h (qua đêm)

Bước 2:

– Bắc nồi cho đậu vào, châm nước lạnh ngập mặt đậu, nấu sôi cho đậu nở mềm rồi cho đường cát trắng vào vừa đủ độ ngọt bạn muốn. Dùng vá quậy cho tan đường rồi cho tất cả vào cối xay sinh tố xay thật nhuyễn mịn. Lại trút vào nồi, vặn lửa nhỏ vừa đun vừa khuấy tới khi hỗn hợp sánh đặc lại thì tắt bếp, để nguội, bỏ tủ lạnh.

Bước 3:

– Sương sáo pha theo hướng dẫn (1 gói 50g hòa với khoảng 200ml nước lạnh), khuấy đều. Bắc nồi với 750ml nước sôi cho hỗn hợp bột sương sáo đã khuấy vào vừa nấu vừa khuấy nhẹ cho sương sáo đông lại như keo sền sệt thì trút ra âu, để nguội, bỏ tủ lạnh 5-6 tiếng cho đông chắc hẳn.

Bước 4:

– Sương sáo đông thì cắt miếng vuông nhỏ vừa ăn.

Bước 5:

– Trân châu rửa sạch, luộc chín, múc ra cho vào nước lạnh cho nguội rồi đổ ra rổ cho ráo.

Bước 6:

– Khi ăn múc chè đậu vào ly rồi tới sương sáo, hạt trân châu, đá bào, nước cốt dừa, đậu phộng rang.

Theo Cún Khang (Cách nấu chè ngon)

Cách làm LỤC TÀU XÁ

Lục tàu xá là món ăn gốc Hoa, rất được nhiều người ưa thích. Lục tàu xá hay lục đậu sa là món ăn làm từ đậu xanh cùng với các nguyên liệu khác phối hợp với nhau tạo nên một hương vị thơm ngon và độc đáo.

Chuẩn bị nguyên liệu nấu chè lục tàu xá ngon:

  • Đậu xanh cà vỏ 2 chén
  • Phổ tai cắt sợi nhỏ cở 2 chén hay hơn nếu thích.
  • 1/2 chén nhãn nhục không cần ngâm ,chỉ cần rửa sơ cho sạch cát,bụi bặm .
  • 1 chén táo đỏ
  • 1 chén hạt sen
  • Hoa móng tay 1 chén

Ngoài 6 món chính trên,còn trần bì hay mứt trần bì xí muội khoảng 1 nhúm trong tay mà thôi vì nó mặn mặn ngọt ngọt,nước cốt dừa để làm base cho chè nữa khoảng 1,6 l ,cho khoảng 1/2 chén bột báng ngâm với nước lạnh cho mềm để làm cho chè sền sệt lại mà không lỏng như nước.

Cách làm lục tàu xá ngon:

Bước 1: Nấu đậu xanh cho sôi lên ,hớt bọt cho sạch cho vào xíu muối cho đằm và đẩy bọt đừng cho nhiều ,chất dơ lên cho mình hớt dể dàng hơn,thấy đậu nở gần chín cho hoa móng tay vào trần bì hoặc mứt trần bì vào cho nở thơm lên và táo đỏ vào nấu nhỏ lửa cho táo nở ra,nếu không có táo đỏ thì dùng táo đen loại lớn để nấu thuốc bắc mua ở tiệm thuốc bắc ngâm cắt nhỏ ra ,lúc nầy cho vào táo mềm rất mau do đó cho sôi và cho đường vào nêm ngọt ngọt 1 chút vì còn nước dừa món chè nầy tựa tựa như chè thưng của người miền NAM  ngoại mình nói chè thưng nấu na ná giống món lục tào xá này.

Bước 2: Cho hạt sen đã nấu mềm ,nhản nhục ,bột báng đã ngâm nước lạnh cho mềm và nước dừa vào nêm nếm lại cho phổ tai vào ,sôi lên tắt lữa,cho vào vài giọt dầu chuối hay nước hoa bưởi cho thơm ,chè nầy đặc biệt là chỉ còn thấy màu vàng sữa khi ăn mới biết có đậu xanh vì nó đã tan ra rồi,thuộc vào dạng lỏng.

Theo Phương Trang (thế giới ẩm thực)

Cách làm SÂM BỔ LƯỢNG giải nhiệt ngon miệng

Trời nóng bức không có gì tuyệt hơn là một bát sâm bổ lượng với các nguyên liệu bổ dưỡng, có tính năng giải khác, giải nhiệt và ngon miệng nữa.

Chuẩn bị nguyên liệu làm sâm bổ lượng:

  • Rau câu chân vịt: 1 lạng
  • Táo tàu khô: 1 lạng (chọn loại chưa ướp / ngâm)
  • Nhãn nhục: 2 lạng
  • Đường phèn tùy ăn, có thể dùng đường cát

Sơ chế:

+ Rau câu ngâm nước 1 giờ cho nở, rửa sạch đất cát, để ráo.

Nhãn khô ngâm nước lạnh 30p, xả lại, lại ngâm nước lạnh 30p rồi xả sạch, rửa nhẹ nhàng cho sạch, để ráo.

+ Táo tàu dùng dao hoặc kéo khứa nhẹ quanh quả để nấu được nở ngấm.

Cách nấu sâm bổ lượng ngon:

1. Bắc nồi cho chừng 1 lít nước, cho táo tàu và đường phèn (nêm nhạt) vào nấu tới khi táo tàu nở mềm.

2. Táo tàu nở thì cho nhãn đã ngâm rửa vào, tắt bếp, nêm nếm lại vừa khẩu vị.

3. Chờ 5 phút thì cho rau câu chân vịt đã ngâm rửa sạch vào, lúc này nước đã nguội bớt nên rau câu chân vịt sẽ có độ giòn sần sật. Bạn cũng có thể cho rau câu chân vịt vào sớm ngay sau khi tắt bếp nếu muốn ăn sền sệt, vì rau câu chân vịt sẽ tan trong nước nóng.

4. Múc chè ra chén, ăn nóng hoặc cho vài viên đá ăn lạnh.

Bảo Tọa (cách nấu món ăn ngon)

 

Cách nấu CHÈ KHOAI SỌ NƯỚC DỪA

Chè khoai sọ bột báng nước dừa là loại chè ngon khác từ khoai sọ, nguyên liệu ưa thích của nhiều người và hẳn sẽ chinh phục khẩu vị của gia đình bạn.

Nguyên liệu nấu món chè bột báng khoai sọ nước cốt dừa:

– 4 lạng khoai sọ
– 20g bột báng khô
– 2,5 lạng đường cát
– 2 lạng nước cốt dừa.

Cách làm chè bột báng khoai sọ nước dừa:

– Khoai gọt cắt miếng nhỏ vừa ăn (khi gọt vỏ các bạn đeo găng tay nylon vào để đỡ nhớt).

– Cho vào nồi khoảng một bát ăn cơm nước + khoai + đường rồi đặt lên bếp nấu với lửa vừa khoảng 20 phút là khoai chín. Trong khi nấu thỉnh thoảng các bạn đảo đều cho khoai khỏi dính đáy nồi.

– Bột báng ngâm nước cho mềm rồi cho vào nồi chè cùng với nước cốt dừa, đun lại cho sôi thêm vài phút, nêm nếm lại cho vừa vị ngọt theo khẩu vị gia đình.

– Chè chín tắt bếp rồi múc ra bát, dùng nóng hay nguội đều ngon.

Theo Hà Linh (cách nấu chè ngon)

 

Cách nấu CHÈ NẾP CẨM KHOAI SỌ

CHÈ NẾP CẨM KHOAI SỌ sẽ chinh phục khẩu vị của từng người trong gia đình bạn với cái kết cấu bùi bùi của khoai sọ hòa lẫn với nếp cẩm trong hương vị beo béo thơm tho của nước cốt dừa.

Nguyên liệu làm chè nếp cẩm khoai sọ:

– 1/2 chén nếp cẩm (nếp than)
– 3-4 củ khoai sọ
– 200ml nước cốt dừa
– Đường (định lượng tùy theo sở thích của bạn)
– 1 ống vani nhỏ, muối
– Dừa sợi.

Cách làm món ăn ngon chè nếp cẩm khoai sọ:

Bước 1:

– Nếp cẩm đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm gạo qua đêm với một ít muối.

Bước 2:

– Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch, ngâm vào âu nước muối để ra bớt chất nhớt.

– Rửa khoai sọ lại cho thật sạch, cắt hạt lựu lớn.

Bước 3:

– Nếp cẩm sau khi ngâm, đãi lại cho sạch, cho nếp cẩm vào nồi, đun sôi đến khi ăn thử thấy hạt nếp mềm.

Bước 4:

– Cho tiếp khoai sọ vào đun cùng, thêm đường vào.

– Đun lửa thật nhỏ, thỉnh thoảng dùng muôi khuấy đều để phần nếp không bị dính vào đáy nồi.

Bước 5:

– Đổ từ từ nước cốt dừa vào nồi chè, vừa đổ vừa khuấy đến khi đặc lại, bạn nêm nếm lại đường cho vừa ăn.

Bước 6:

– Đun khoảng thêm 5 phút thì tắt bếp, thêm ống vani vào, dùng muôi khuấy nhẹ tay. Múc chè ra bát, rắc vài cọng dừa sợi lên bề mặt, dùng nóng hay nguội đều ngon.

Theo Cún Khang (cách nấu chè ngon)

Cách làm MỨT XOÀI DẺO ngon lạ cho Tết

Mứt xoài chua ngọt dịu dàng lại thơm hương đặc trưng của xoài sẽ là món ăn chinh phục khẩu vị của tất cả mọi người.

 Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm mứt xoài:

– 3-4 quả xoài, có thể dùng xoài xanh hay xoài vừa chín tới
– 1 thìa nhỏ vôi tôi
– 400g đường cát trắng
– Muối.

Cách làm mứt xoài dẻo ngon cho ngày tết:

Bước 1:

– Xoài gọt vỏ, ngâm xoài vào âu nước lạnh có pha một ít muối khoảng 30 phút, sau đó vớt ra rửa lại cho thật sạch.

Bước 2:

– Dùng dao cắt xoài thành từng lát xéo, tầm 2-3 cm.

Bước 3:

– Vôi tôi hòa tan trong nước lạnh, để khoảng 30 phút để phần vôi lắng cát xuống đáy, lọc lấy phần nước vôi bên trên, đổ bỏ phần cặn.

Bước 4:

– Ngâm xoài vào âu nước vôi, khoảng từ 5 đến 6 tiếng, sau đó vớt ra rửa lại nước lạnh cho thật sạch.

Bước 5:

– Để xoài lên rổ cho ráo nước, cho đường vào, xóc đều để khoảng 2-3 tiếng cho đường tan.

– Đặt nồi lên bếp, đun sôi lửa nhỏ, thỉnh thoảng hớt bỏ bọt.

– Đun 40-45 phút đến khi phần nước đường chuyển màu vàng cánh gián và từng lát xoài dẻo quánh thì bạn tắt bếp, để nguội.

Bước 6:

– Gắp từng miếng xoài lên vỉ hong cho ráo, chờ 3-4 tiếng cho ráo bớt rồi lăn qua lớp đường cát mỏng (loại mịn càng tốt), bước này có thể bỏ qua nếu bạn không thích ăn ngọt quá. Cất vào lọ đậy kín bỏ nơi khô thoáng dùng dần.

Theo Cún Khang (cách làm mứt tết ngon)

Cách làm MỨT RAU CÂU món ngon tuổi thơ ai cũng thích

Mứt rau câu là hương vị quen thuộc trong những hàng quà bánh xưa kia… ngày nay tuy vẫn còn nhưng có lẽ nhiều người sẽ e ngại về chất lượng của loại mứt nhiều màu này. Bạn hoàn toàn có thể tự làm nó tại nhà thật đơn giản, chất lượng và an tâm để sử dụng.

13-615460-1375787931_500x0.jpg

Nguyên liệu làm mứt rau câu:

– 1 gói bột rau câu 25g
– 1 lít nước lọc
– 3/4 bát con đường cát trắng
– Vài giọt tinh dầu hoa bưởi
– Vài giọt màu thực phẩm.

Cách làm mứt rau câu ngon cho ngày Tết:

Bước 1:

– Đổ bột rau câu vào nồi có chứa 1 lít nước.

Bước 2:

– Dùng muôi hòa tan rau câu với nước, để yên khoảng 30 phút trước khi đun.

Bước 3:

– Đặt nồi lên bếp, đun sôi lửa nhỏ đến khi bột rau câu tan hoàn toàn thì cho đường vào đun cùng, đun lửa nhỏ đến khi đường tan, bạn nhớ hớt bỏ bọt rau câu.

– Cho vào vài giọt tinh dầu hoa bưởi vào nồi rau câu, tắt bếp.

Bước 4:

– Đổ rau câu vào từng khuôn, mỗi khuôn nhỏ một vài giọt màu thực phẩm.

Bước 5:

– Dùng muôi trộn đều cho màu tan hoàn toàn. Để nguội cho vào tủ lạnh 3-4 tiếng đến khi rau câu đông cứng lại.

Bước 6:

– Rau câu sau khi đông, úp ngược ra thớt, dùng dao hình gợn sóng, cắt thành từng từng thỏi dài tầm 6cm, chiều ngang 1,5cm, dày 1cm.

Bước 7:

– Làm lần lượt đến hết rau câu. Bạn không nên cắt nhỏ quá vì khi sấy mứt sẽ nhỏ lại.

Bước 8:

– Xếp từng mẻ rau câu vào khay. Có hai cách sấy, bạn có thể đem khay mứt phơi từ 2-3 nắng lớn (khi phơi bạn nhớ phủ vải lưới mỏng để không bị ruồi muỗi). Hoặc có thể cho vào lò nướng, không đóng cửa lò nướng, sấy ở nhiệt độ 60 độ C đến khi rau câu khô hẳn.

Bước 9:

– Xếp mứt vào lọ, đậy kín bảo quản nơi thoáng mát.

Theo Cún Khang (cách làm mứt tết)

Cách làm BÁNH TÉT LÁ CẨM CHAY

Bánh tét lá cẩm chay sẽ là món ăn ngon đầy đặn hương vị Tết cho bữa chay của gia đình bạn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị làm bánh tét lá cẩm chay bao gồm:

  • 1 ký nếp
  • 3 lạng đậu xanh
  • Lá cẩm, lá dứa
  • 3 lon nước cốt dừa
  • Tiêu, đường, muối

Cách làm món ăn ngon ngày Tết bánh tét lá cẩm  chay

Làm nhân bánh chay:
Đậu xanh: Rửa sạch, ngâm khoảng 1h. Sau 1h, rửa lại lần nữa, để ráo rồi cho một lon nước cốt dừa cùng với một thìa cà phê muối vào. Tiếp theo, các bạn bật bếp đặt nồi đậu xanh- nước cốt dừa nên đun. Khi đậu xanh đã chín, cho thêm 10 thìa cà phê đường vào, đảo đều và đun với lửa nhỏ trong khoảng 5 phút nữa là xong. Các bạn để đậu xanh nguội rồi tạo thành những hình trụ dài.

Làm lớp ngoài bánh:
Chia gạo nếp làm 2 phần đều nhau: một phần làm lớp vỏ lá dứa, còn phần kia làm lớp vỏ lá cẩm. Ngâm gạo nếp trong vòng 3h riêng với phần làm lớp vỏ lá cẩm sẽ cho thêm cả nước lá cẩm (đun lá cẩm lên để lấy được nước) vào cùng ngâm.
Với lớp vỏ lá dứa: Đặt chảo lên bếp, cho gạo nếp cùng với nước cốt dừa, muối, đường, nước màu lá dứa (cho lá dứa vào xay lọc lấy nước)  vào xào đều lên.
Với lớp vỏ lá cẩm: Cách làm tương tự như lớp vỏ lá dứa. Các bạn cũng cho gạo nếp vào cùng với nước cốt dừa, muối và đường rồi xào lên.
Khi xào nếp, các bạn không nên xào quá nhão, chỉ đủ để nước cốt dừa bám vào gạo là được.

Sau khi đã chuẩn bị xong những thứ ở trên, các bạn bắt đầu đi gói bánh.
Đặt một miếng nylon trong suốt loại dành cho thực phẩm lên bàn, cho một lớp vỏ lá dứa lên trải thật đều và phẳng theo hình chữ nhật trên đó, sau đó đặt một miếng nhân đậu xanh lên trên, khéo léo cuộn tròn lớp vỏ lại.

Trên lớp nylon đó, các bạn trải tiếp một lớp vỏ lá cẩm lên, nhớ là cũng phải trải cho thật đều và phẳng theo hình chữ nhật nhưng có kích thước lớn hơn so với lớp vỏ lá dứa. Sau đó đặt lớp vỏ lá dứa cuộn nhân lên và tiếp tục cuộn tròn lại. Khi đó, các bạn bỏ lớp nylon ra đặt lớp lá chuối vào và gói lại theo hình trụ như các loại bánh tét khác.

Dùng dây buộc theo cả chiều ngang và dọc của bánh cho chắc.

Khi gói xong, các bạn mang bánh đi luộc.
Đặt một nồi nước lên đun sôi, sau đó cho bánh tét vào. Khoảng 4h sau là bánh sẽ chín, các bạn vớt ra xả nước lạnh và để bánh ở nơi thoáng cho nhanh khô.

Theo Yeunoitro

Cách làm MỨT CÙI BƯỞI ngon lạ cho ngày Tết

Phần cùi trắng của vỏ bưởi có thể được chế biến thành món mứt ngon hấp dẫn cho gia đình bạn trong mấy ngày Tết.

Nguyên liệu làm mứt cùi bưởi:

– Bưởi: 1 trái
– 2 lạng đường
– Nước lạnh: 70ml
– Muối: 1 thìa súp
– Nửa lạng đường

Cách làm mứt cùi bưởi:

Bước 1: Bưởi bóc lấy vỏ, gọt phần vỏ xanh chỉ giữ lại phần cùi trắng.

Thái miếng hơi to, dày.

Bước 2: Cho cùi bưởi vào thau bóp nhẹ nhàng với muối rồi xả lại nước lạnh nhiều lần cho hết mặn và đỡ đắng. Cuối cùng bóp nhẹ cho ráo nước.

Bước 3: Bắc nồi nước sôi cho cùi bưởi vào luộc 3-4 phút rồi vớt ra.

Bước 4: Bắc nồi nước khác nấu sôi rồi cho cùi bưởi vào luộc tiếp 3 phút nữa. Vớt cùi bưởi ra ngâm trong thau nước đá 15 phút.

Bước 5: Vớt cùi bưởi ra, dùng muỗng ép nhẹ miếng cùi bưởi cho ra bớt nước. Sau đó để ráo cùi bưởi rồi ướp cùng 70g đường trong 3 tiếng.

Bước 6: 130g đường ta hòa cùng nước lạnh cho vào chảo nấu lửa nhỏ cho tan đường.

Bước 7: Cho bưởi đã ướp đường vào sên đều, đảo rang nhẹ nhàng cho tới khi đường khô queo bám và thấm vào cùi bưởi, tắt bếp.

Xếp mứt cùi bưởi lên khay rồi phơi nắng 2 tiếng cho mứt ráo.

Mứt khô ráo rồi ta lăn qua một lớp đường mịn cho đường bám quanh mứt.

Xếp vào lọ, bảo quản nơi khô thoáng.

Mứt cùi bưởi không những rất dễ làm mà còn rất ngon các bạn nhé.

Theo Lâm Anh Đào (Khám phá)

Cách làm MỨT KHOAI MÔN ngọt bùi hấp dẫn cho Tết Nguyên Đán

Khoai môn là nguyên liệu hấp dẫn nhiều người bởi hương vị cũng như kết cấu đặc biệt. Cách làm mứt khoai môn sau đây sẽ giúp bạn thực hiện làm món ăn chinh phục mọi người trong những ngày Tết đến.

Nguyên liệu làm mứt khoai môn:

– Khoai môn: 0,5kg
– Đường: 1,5 lạng
– Nước lạnh: 40ml
– Chút muối.

Cách làm mứt khoai môn ngon cho ngày tết:

Bước 1: Khoai môn bỏ vỏ, ngâm rửa sạch, thái thành thanh dài rộng bằng ngón tay.

Bước 2: Bắc chảo dầu chờ dầu hơi nóng thì cho khoai vào chiên lửa nhỏ.

Bước 3: Khoai chín thì vớt ra đĩa có giấy thấm.

Bước 4: Muối, nước, đường cho vào chảo không dính, nấu sôi trong lửa nhỏ 5 phút cho tan hết đường.

Bước 5: Cho khoai môn đã chiên vào, đảo nhẹ nhàng cho khoai không bị nát.

Đảo nhẹ nhàng như vậy cho đường khô bám vào khoai là được. Tắt bếp.

Chờ mứt nguội hẳn thì cho vào lọ, cất nơi thoáng mát để ăn dần.

Theo Lâm Anh Đào (Khám phá – cách làm mứt tết ngon)