Ô mai nổi tiếng Hà Nội bị phát hiện có chất tạo ngọt vượt ngưỡng

Kết quả kiểm tra mẫu ô mai chua ngọt Hồng Lam cho thấy chứa đường hóa học saccharin và cyclamate vượt 6-8 lần so với công bố. 

Đoàn thanh tra, kiểm tra do Cục An toàn thực phẩm chủ trì đã kiểm tra một số điểm kinh doanh sản phẩm Tết tại Hà Nội và Hòa Bình. 17 mẫu sản phẩm được lấy để kiểm tra gồm nem giòn, xúc xích, ô mai, cải thảo, cải rổ, nạc thịt heo, mực tươi, chân gà đông lạnh, cam sành, bánh oản, mứt cổ truyền, mứt bí…

Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện 3 mẫu không đạt chất lượng. Trong đó có mẫu kim chi cải thảo cắt lát, ngày sản xuất 2/1/2016, hạn sử dụng 1/4/2016; không đạt về chỉ tiêu coliforms (1,3×102 CFU/g). Sản phẩm này của Công ty cổ phần CJ Foods Việt Nam, Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, TP HCM. Thứ hai là mẫu ô mai mơ cam thảo, ngày sản xuất 5/12/2015, hạn sử dụng 5/12/2016, sản phẩm của Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Phương Soát, Long Biên, Hà Nội; không đạt về chỉ tiêu cyclamate (natri cyclamate 1595 mg/kg). Cả hai mẫu này được lấy tại một công ty ở tỉnh Hòa Bình.

Mẫu thực phẩm thứ ba không đạt chỉ tiêu là ô mai mơ chua ngọt, ngày sản xuất 17/11/2015; hạn sử dụng 17/11/2017. Đây là sản phẩm của Công ty cổ phần Hồng Lam, địa chỉ Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Mẫu được lấy tại siêu thị Big C Thăng Long, chi nhánh thuộc Trung tâm Thương mại The Garden, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sản phẩm không đạt về chỉ tiêu về saccharin: hàm lượng công bố ≤ 200 mg/kg, kết quả kiểm nghiệm là 1.336 mg/kg; hàm lượng cyclamate công bố ≤ 1.000 mg/kg, kết quả kiểm nghiệm là 8.310 mg/kg.

Caccharin và cyclamate là các loại chất tạo ngọt, đường hóa học được phép sử dụng trong thực phẩm.Về tác hại saccharin vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên một số công trình nghiên cứu trên động vật cho thấy dùng liều cao saccharin trong thời gian dài có thể gây ung thư. Vì thế để đảm bảo an toàn, mức độ sử dụng hàng ngày chấp nhận được của con người đối với saccharin là 2,5 mg trên một kg thể trọng.

Đường hóa học cyclamate trước đây bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Từ năm 2013, chất này được cho phép sử dụng. Hiện nay, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (Codex) đưa cyclamate vào Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng đối với một số nhóm thực phẩm. Theo Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, cyclamate được xếp vào nhóm 3, là nhóm chất không được phân loại vào nhóm gây ung thư cho người.

Tài liệu của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM ghi rõ, cyclamate có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền… Tại Mỹ năm 1969, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm cũng đã đưa chất này vào danh mục cấm sử dụng.

Với các mẫu thực phẩm không đạt chất lượng, Cục An toàn thực phẩm đã thông báo cho cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạm dừng lưu thông lô sản phẩm vi phạm, xử lý cơ sở chịu trách nhiệm về sản phẩm theo quy định. Cục cũng giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm này trên địa bàn để giám sát và xử lý cơ sở vi phạm theo quy định.

Cục trưởng An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, kể cả những ngày nghỉ Tết, Thanh tra Cục và các lực lượng chức năng tiếp tục ứng trực, đôn đốc địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.

Nam Phương (VnExpress.net)

Nguồn: http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/o-mai-noi-tieng-ha-noi-bi-phat-hien-co-chat-tao-ngot-vuot-nguong-3351509.html

Comments

comments

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *