Cách làm BÁNH BAO KHÔNG NHÂN

Trong khi bánh bao mặn hấp dẫn bởi phần nhân thơm ngon kết hợp với vỏ, thì bánh bao chay (còn gọi là bánh bao không nhân, bánh màn thầu) lại dễ dàng sử dụng chung với nhiều loại thức ăn khác như canh, thịt quay, tương…

Nguyên liệu làm BÁNH BAO CHAY

  • Bột mì: 2 lạng
  • Nước nấu sôi rồi để nguội xuống 35 độ: 200ml
  • đường: 20g
  • Men nở: 2g
  • Chút muối

Các bước làm bánh bao không nhân

Bước 1: Xử lí men nở

Khuấy 1 muỗng cà phê đường vào 100ml nước ấm, sau đó rắc men nở vào rồi để yên chừng 10 phút cho men nở phồng trên mặt nước.

Trút bột mì vô thố lớn, trộn với đường và muối cho thật đều.

Bước 2: Pha bột

Đổ chén men nở cùng phần nước còn lại vô bột rồi trộn đều. Bột sẽ khá nhão nên dễ nhào, chứ không cần đập bột.

Chuẩn bị khuôn bánh, lót sẵn màng thực phẩm vào khuôn.

Bước 3: Ủ bột

Đổ bột lấp đầy gần nửa khuôn bánh, dùng 1 cái khăn bông nhúng nước ấm, vắt hơi ráo rồi đậy kín bột. Đem khuôn bột đã đậy vào ủ nơi ấm áp, ít gió. Có thể cho vào thùng xốp, nồi cơm điện hay lấy chăn bông trùm kín lại.

Ủ ít nhất 2 tiếng cho bột nở gấp đôi, gấp ba là được.

Cho khay bánh vào nồi hấp.

Bước 4: Hấp bánh

Hấp bánh khoảng 20 phút thì vặn nhỏ lửa, để thêm 5 phút nữa là đủ chín. Nhưng cũng tùy theo cỡ bánh, bánh càng lớn thì hấp càng lâu. Có thể xiên tăm vào bánh xem chín chưa, nếu bột bám tăm là  chưa chín.

Bánh chín đổ ra dĩa ăn được rồi.

Bánh màng thầu ăn ngay, hoặc chiên lên ăn, hoặc ăn với canh cải, thịt quay, sữa đặc… gì cũng ngon. 

Bảo Tọa

Cách làm VỊT QUAY CHAO LẠNG SƠN

VỊT QUAY LẠNG SƠN quay cùng lá mắc mật, thêm chao nữa để miếng thịt càng thêm đậm đà. Công thức do Thái Sơn (Văn Lãng, Lạng Sơn) chia sẻ.

Nguyên liệu:

 

 Vịt béo 1 con khoảng 1,5kg

Chao 4 miếng, 1 thìa mật ong

1 nắm lá mắc mật

1 thìa canh tương khô

4 của hành to

1 củ tỏi, giấm 1 bát nhỏ

 

Cách làm:

 

– Vịt rửa sạch, bôi qua chút rượu trắng để khử mùi, chú ý lấy phổi ra bỏ đi
– Lá mắc mật băm nhuyễn, hành băm nhuyễn, tỏi băm nhuyễn, trộn đều với chao, tương khô, cho thêm ít bột ngọt nhồi vào bụng vịt, khâu kín lại phần cổ dùng dây thắt lại.
– Dùng 1 chiếc kim tiêm luồn nhẹ vào phần chân vịt được cắt ra luôn lên phần đùi bơm phông da vịt lên, lau sạch khô,
– Lấy mật ong hòa dấm xoa đều khắp người con vịt,
– Bỏ vào lò nướng 30p, rồi bỏ ra chao trên dầu nóng khoảng 20p cho vịt vàng đều óng,
– Lưu ý cắt chân, đầu, cánh cắt 1 nửa,
– Đây là cách làm vịt quay lạng sơn kết hợp với chao, chúc mọi người thành công

NGƯỜI VIỆT NAM TIÊU THỤ MÌ GÓI NHIỀU THỨ HAI THẾ GIỚI

Sau 3 năm kể từ 2012, Việt Nam đã tăng thêm 2 bậc trên bảng xếp hạng các quốc gia sử dụng nhiều mì ăn liền nhất trên thế giới, với tỉ lệ trung bình 55 gói mì / người / năm.

Trên bảng xếp hạng từ thống kê của bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, 4 nước ăn nhiều mì ăn liền nhất thế giới lần lượt là: Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan.

Mì gói là loại thực phẩm được dùng thường xuyên ở những người có cuộc sống bận rộn tại Việt Nam.

“Mì gói được tiêu thụ ở mức ngày càng cao, do ngày càng nhiều người dân cũng như gia đình của họ cần đến một bữa ăn nhanh và đơn giản”, báo cáo cho biết.

Tuy vậy, báo cáo này cũng nhắc lại những vấn đề sức khỏe mà mì ăn liền có thể mang lại. Một gói mì  có thể chứa tới 2000mg muối: gấp 4 lần so với lượng muối khuyến nghị cho mỗi cơ thể/ ngày. Việc sử dụng nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, cao huyết áp. Bên cạnh đó, hầu như mì ăn liền không mang lại bất cứ loại dưỡng chất nào cho cơ thể.

Ảnh chụp từ video gây sốc hồi tháng 8/2015, cho thấy sợi mì không được tiêu hóa sau 2 tiếng đồng hồ.

Cách đây 3 tháng, một nghiên cứu của Bệnh viện đa khoa Massachusetts cũng làm nhiều người e ngại khi công bố hình ảnh cho thấy sợi mì vẫn còn nguyên trong dạ dày sau 2 giờ đồng hồ, khoảng thời gian đủ để TBHQ (một loại chất bảo quản trong mì ăn liền) ngấm vào cơ thể.

Hoàng Khủng tổng hợp

Cách làm BÒ SỐT RAU CỦ ĐẬU PHỤ

Bò sốt rau củ đậu phụ non đơn giản, dễ ăn lại cung cấp đủ cả thịt, rau củ, đậu… cho bữa ăn của bạn. 

Nguyên liệu:

– Thịt thăn bò: 3 lạng

– Đậup hụ non: 2,5 lạng

– Cà rốt, súp lơ xanh, mỗi thứ nửa củ

– Hành tây: 1 củ

– Gừng: 1 mẩu

– Dầu hào, xì dầu, tỏi, hành lá, gia vị…

Cách làm:

Bước 1:

– Thịt rửa sạch, thái mỏng, ướp với mẩu gừng đập dập, 1 mcf dầu hào, 1/2mcf tiêu, chút dầu ăn trong 30 phút.

Bước 2:

– Cà rốt cạo vỏ, súp lơ tước phần xơ cứng bỏ đi, rồi tất cả xắt nhỏ vừa ăn. Hành tây bổ múi cau. Đậu non rửa sạch, thái miếng vừa ăn.

Bước 3:

– Bắc chảo cho 3 mcf dầu ăn  rồi cho tỏi vào phi thơm, tiếp đến cho bò vào xào nhanh tay trong lửa lớn. Bò tái thì trút ra ngoài. Cho cà rốt, súp lơ vào xào cùng với 1 muỗng canh xì dầu + chút dầu hào + đường + nước lọc, nấu sôi.

Bước 4:

– Nấu từ 6-9 phút cho cà rốt chín thì cho tiếp đậu non và hành tây vào nấu chung, lắc chảo cho thấm đều, đậy kin nắp nấu sôi thêm chừng 10 phút nữa.

Bước 5:

– Nêm nếm lại vừa miệng, sau đó trút thịt bò vào xào vừa chín tới thì tắt bếp. Rắc hành lá thái nhỏ, tiêu xay. Ăn nóng với cơm.

Theo Cún Khang

KHÁM PHÁ MÂM CỖ ĐẬM VỊ NÚI RỪNG CỦA NGƯỜI THÁI Ở LAI CHÂU

Ẩm thực của người Thái ở Lại Châu nói riêng và người Thái nói chung là một nền ẩm thực lâu đời, dựa trên sự kết hợp những nguyên liệu trên rừng dưới suối với các loại gia vị thảo mộc tự nhiên không chỉ đậm đà, kích thích khẩu vị mà còn tốt cho sức khỏe. Các món  ăn của người Thái không được trình bày bắt mắt, nhưng khi thưởng thức xong, ai cũng có thể nghiện vì sự quyến rũ của hương vị núi rừng.
Sau đây mời các bạn điểm qua những món ăn độc đáo của người Thái trắng trong dịp lễ hội Then Kin Pang, ở Khổng Lào (Lai Châu). Đây là một lễ hội văn hóa tâm linh quan trọng của người Thái, và cũng là dịp để bạn khám phá rất nhiều món ngon vật lạ của đồng bào Thái nơi đây.

Ăn cỗ là một phần không thể thiếu của dịp lễ hội, những mâm thức ăn đầy ắp, nghi ngút tỏa hương mời gọi.

Cá bống suối thịt chắc, ngọt, gói với lá dong rồi vùi tro tạo nên hương vị rất hấp dẫn.

Canh rêu, món ăn nổi tiếng của đồng bào vùng cao.

Pa Pỉnh Tộp – món cá nướng ‘danh bất hư truyền của người Thái.

Trong khi các nhà hàng trên thế giới mới bắt đầu phát hiện ra vị ngon của Dế mèn, thì loài côn trùng này đã có mặt trên bàn ăn của người Thái từ rất lâu rồi.

Ếch vùi trong tro, dậy mùi phưng phức.

Măng đắng – đặc sản mà người miền xuôi nào cũng muốn mang về nhà làm quà.

Nộm măng diềm ăn với các loại lá rừng.

Nộm rau sắng – hay còn gọi là rau mì chính. Loại rau  từng được nhiều văn nhân thi sĩ ca ngợi.

Thịt bò nướng của người Thái.

Trâu nấu nấu lá lồm.

Ve sầu chiên giòn cũng là một món lạ không thể bỏ qua.

Xôi nếp nương được nhuộm màu bằng màu sắc lá rừng tự nhiên.

Theo Lê Bích

Cách làm THẠCH ĐU ĐỦ CỐT DỪA ngon xinh

Phối hợp giữa đu đủ và thạch cốt dừa thì chắc chắn là ngon rồi, nhưng không những thế, món ăn này còn rất ngon để lấy điểm trong mắt người thân hoặc là các em bé.

 

Nguyên liệu

+ Đu đủ chín ngọt: 1 trái

+ Nước cốt dừa: 250ml

+ Gelatin: 2,5 g

+ 1 muỗng canh đường

Cách làm

– Đu đủ cắt bỏ phần đuôi (khoảng 5-10cm để có lỗ to), dùng đồ vét bỏ hột bên trong quả.

– Gelatin ngâm vào nước lạnh cho mềm.

– Bắc nồi cho nước cốt dừa + đường + gelatin đã ngâm mềm vào, nấu sôi, khuấy đều, tắt bếp.

– Chờ hỗn hợp nguội thì đổ vào đu đủ, sau đó cho quả đu đủ vào tủ lạnh ngăn mát cho nhanh đông.

– Sau khoảng 1 tiếng thấy phần thạch đã đông thì lấy quả đu đủ ra, bổ làm đôi rồi cắt thành các miếng vừa ăn.

Đề Oanh

Cách làm món CHẢ TÔM BỌC SẢ thơm ngon hấp dẫn

Chả tôm bọc sả trông cũng tương tự như chả lụi, nhưng kỳ công hơn một chút. Món này bên cạnh vị ngon của chả nướng còn có hương sả tươi rất hấp dẫn.

Nguyên liệu:

– 7 lạng tôm

– 3 lạng giò sống (mọc)

– Sả tươi cây, hành củ, hành lá, tiêu, gia vị

– Làm nước chấm: 3 lạng thịt heo xay, 1/2 chén nếp, dầu điều, mè rang, tỏi, hành, sa tế

– Rau sống: dưa leo, xà lách xoăn, rau răm, rau thơm

Cách làm chả tôm bọc sả nướng:

Bước 1:

– Tôm bóc vỏ bỏ chỉ đen, rửa qua nước muối loãng rồi để thật ráo.

– Sau đó ướp tôm với chút tiêu, 1/2 muỗng cafe muối, chút hạt nêm, 2 muỗng súp dầu ăn… Cho vào ngăn đá 1 tiếng rồi lấy ra xay nhuyễn mịn.

Bước 2:

– Mọc cho ra tô, ướp với hành củ băm, tiêu, 1/2 mcf muối, 1/2 muỗng canh đường trắng, chút nước mắm trong 20 phút.

Bước 3:

– Tôm xay xong đem trộn với mọc, thêm 2 muỗng súp dầu ăn, quết bằng muỗng 10 phút cho đều, sau đó đậy kín cho vào ngăn mát 2 tiếng.

Bước 4:

– Nếp đãi sạch, cho vô nồi, châm nước lạnh xâm xấp rồi đậy kín nắp, nấu cho tới khi gạo nở, tắt bếp.

Bước 5:

– Dầu màu điều cho vào chảo đun nóng rồi cho tỏi vào phi thơm, tiếp đến cho thịt xay vào xào, nêm ít nước mắm, đường, tiêu, xào 15-20 phút, nêm nếm lại cho cảm thấy hơi nhạt là đủ.

Bước 6:

– Trộn nếp đã nấu với thịt ở bước 5 vào chung, cho vào máy xay sinh tố xay thật mịn.

Bước 7:

– Đổ hỗn hợp vừa xay trở lại chảo nấu sôi, nêm nếm vừa ăn, tắt bếp.

Bước 8:

– Rau nhợ các thứ rửa sạch để cho ráo.

Bước 9:

– Sả rửa sạch, cắt khúc ngắn. Tay xoa chút dầu ăn rồi bốc hỗn hợp tôm mọc đã ướp ở trên ra bọc kín 1 đầu cây sả, chừa lại 1 đầu để cầm. Làm cho hết chả.

Bước 10:

– Xếp lên vỉ nướng chín. Lúc nướng nên phết thêm dầu ăn lên mặt cây chả để không bị khô.

Bước 11:

– Ăn nóng với tương, rau sống, có thể cuốn bánh tráng hoặc ăn với bún.

Theo Cún Khang

THĂM TRANG TRẠI BÍ NGÔ KHỔNG LỒ TẠI ĐÀ LẠT

Những quả bí ngô vỏ cam (không phải bí ngô vỏ xanh thường thấy ở Việt Nam) rất nổi tiếng trong ngày lễ Halloween trên thế giới. Không chỉ vậy, giống bí này còn gây ngạc nhiên vì nhiều quả to ‘khổng lồ’ đã lập kỷ lục thế giới. Có ai ngờ, tại Việt Nam cũng có một trang trại bí ngô, trong đó có những quả thuộc loại ‘khổng lồ’.

Vườn nhà ông Lê Hữu Phan (54 tuổi), sống ở đường Xuân Hương, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang trồng những trái bí ngô khổng lồ, có trọng lượng lên tới 80kg.

Theo ông Phan, từ cuối năm 2010, trong một lần tìm hiểu về lĩnh vực nông nghiệp trên internet, ông đã bất ngờ khi trông thấy ảnh của người nông dân Hoa Kỳ phải dùng tới máy  cẩu để nâng những quả bí ngô khổng lồ nặng tới hàng trăm ký. Ngay lập tức, ông Phan nhờ người quen tại Hoa Kỳ mua giùm 100 hạt giống loại bí ngô này với giá 70 USD.

Bí ngô vỏ đỏ khổng lồ trong vườn nhà ông Phan

Có được hạt giống trong tay, ông đem khoe với các bạn nhà nông rồi chia cho bạn 50 hạt trồng thử. Người bạn liền xuống giống ngay nhưng thất bại: cây chết quá nửa, lại cho quả nhỏ hơn mong muốn. Rút kinh nghiệm từ bạn, ông Phan trồng theo cách khác: ươm hạt cho ra mầm rồi mới đem gieo trồng trong nhà kính rộng 150 mét vuông.

Đợt đầu, ông Phan trồng 50 cây nhưng chỉ 30 cây sống, sau đó chết tiếp 4 cây trong quá trình sinh trưởng. Ông Phan cho biết, loại bí này ra trái thì phát triển rất mạnh, chỉ vài ngày đã thay đổi rõ rệt về kích thước. Khoảng 5 tháng sau đợt trồng đầu tiên, gia đình ông Phan thu hoạch được 26 trái. Loạt bí này sau đó được khu du lịch Suối Tiên (Sài Gòn) mua lại với giá trung bình 2 triệu đồng/ quả.

 

Khoảng giữa năm 2015, qua người quen ở Hoa Kỳ, ông Phạn lại tiếp tục nhập thêm hạt giống bí ngô để gieo trồng trên diện tích nhà kính 150 mét vuông của vườn nhà. Lần này, ông xuống giống với mục đích cho bí thu hoạch đúng dịp Festival hoa lần VI tại Đà Lạt cuối năm nay. Và sau 2 tháng xuống giống, đã có hơn 20 gốc bí đơn hoa, kết trái, ra quả đỏ và trắng. Ông Phan chỉ giữ lại mỗi gốc bí một quả, để tập trung chất dinh dưỡng từ cây cho quả này, giúp nó lớn tối đa.

Cho tới lúc này, vườn bí của nhà ông Lê Hữu Phan đã đậu trên chục quả, nhỏ nhất 30kg, lớn nhất lên tới 60kg. Ông Phan kỳ vọng cho đến hết tháng 12, quả to nhất sẽ đạt 80kg trọng lượng. Ông Phan cũng cho biết, đến Festival hoa Đà Lạt, ông sẽ mở cửa trang trại bí cho du khách vào tham quan miễn phí.

 

Một vài ảnh chụp trong vườn bí ngô khổng lồ của gia đình ông Phan:

 

Vườn nhà ông Phan hiện đã có khoảng hơn 20 dây ra trái, kịp dịp Festival hoa Đà Lạt năm nay.

 

Theo kỳ vọng, quả bí lớn nhất vườn sẽ đạt 80kg trọng lượng.

 

Không chỉ có bí màu đỏ, vườn còn có loại bí màu trắng.

 

Du khách đến chiêm ngưỡng vườn bí khổng lồ của ông Phan.

Theo Thạch Thảo (Người lao động)

BÀI THUỐC CHỮA VIÊM LOÉT DẠ DÀY CỔ TRUYỀN CỦA NGA: 7 NGÀY LÀ KHỎI

Theo một bài viết đăng trên báo Nga vào tháng 12 năm 1999, vỏ lựu khô có thể dùng làm bài thuốc chữa các bệnh về đường tiêu hóa rất hiệu quả.

Đó là bài viết “The forgotten Hippocrate and treatment plans” do thầy thuốc cổ truyền G.L. Glubokog, người Nga, công bố. Bài viết nêu ra một cách chữa các bệnh như viêm ruột thừa, lỵ, tả, tiêu chảy… đã được công nhận và cấp bằng sáng chế.

Trong bài viết này, Glubokog có ghi rõ về cách bào chế phương thuốc, với thành phần nguyên liệu chỉ bao gồm vỏ lựu khô và nước. Bài thuốc này dùng cho nhiều bệnh về nhiễm trùng đường tiêu hóa, tuy nhiên tùy theo bệnh, liều lượng và liệu trình dùng thuốc sẽ thay đổi.

Bài thuốc đó như sau:

Vỏ lựu đem rửa sạch, phơi khô. Vỏ lựu xắt lát nhỏ. Nấu 200ml nước sôi rồi tắt bếp, cho lựu vào, đậy kín nắp lại chờ 30 phút là bắt đầu sử dụng.

Cách sử dụng:

Với bệnh về dạ dày, tiêu hóa: mỗi ngày uống 200ml nước lựu khô nói trên.
Với bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, sốt thương hàn, tả, viêm ruột thừa cấp tính: sau khi ngâm lựu khô 30 phút trong nước sôi, uống 100ml nước này, sau đó chờ 10 phút tiếp theo nếu thấy thuyên giảm thì ngừng không uống nữa. Còn nếu thấy không bớt thì chờ thêm 3 giờ nữa uống tiếp phần nước còn lại.
Với bệnh viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, loét ruột non: Chia 100ml nước lựu khô làm 4 phần bằng nhau, uống vào 4 buổi: sáng, trưa, tối và 30 phút trước khi ngủ. Làm đều đặn trong 7 ngày sẽ thấy hiệu quả: các triệu chứng có thể lành hoàn toàn. Tuy nhiên nếu chưa lành, bạn cần tiếp tục điều trị theo liệu trình: ngưng uống 1 tuần, sau đó uống tiếp 1 tuần nữa.

Lưu ý:

Trong quá trình chữa bệnh theo cách này, người bệnh không được dùng thức uống có cồn.

Thông tin thêm về vỏ lựu trong bài thuốc:

Trong cuốn “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, giáo sư Đỗ Tất Lợi ghi nhận: Vỏ quả lựu chứa granatin, acid betulic, acid ursolic và isoquercetin. Vỏ lựu có vị chua, chát, tính ấm, giúp sáp trường chỉ tả, khu trùng chỉ huyết. Ứng dụng: vỏ lựu để trị tiêu chảy, lỵ ra máu, đái ra máu, băng huyết, thoát giang, bạch đới, đau bụng do sán. Ngày có thể sắc 15-30g vỏ lựu khô thành thuốc.

Theo lương y Huyên Thảo: Trong đông y, vỏ lựu xếp vào loại kinh đại tràng và thận, trong nhóm thuốc vị chua, chát, tính ấm. Vỏ lựu có công dụng làm săn chắc niêm mạc ruột để ngăn ỉa chảy, cầm máu, sát trùng, chống ngứa. Vỏ lựu (thạch lựu bì) thường dùng chữa kiết lỵ lâu ngày, ỉa ra máu, trĩ, hoạt dinh, băng lậu, đau bụng do giun sán, lở ngứa da, đới hạ… Có thể kết hợp trị liệu theo đông – tây y để chữa viêm kết tràng mãn tính, lỵ nhiễm khuẩn mãn tính, lỵ amip, xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu tử cung…

Như vậy, vỏ lựu tự lâu đã được công nhận là vị thuốc chữa nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu hóa. Tuy nhiên công hiệu của bài thuốc lưu truyền trên tờ báo Nga vẫn cần được các chuyên gia xác nhận. Bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn áp dụng.

Bảo Thoa
(tổng hợp từ http://www.naturalhealingmagazine.com/)

Cách làm SALAD RAU QUẢ TRỘN DẦU DẤM

Món trộn chỉ gồm các loại rau quả kết hợp với nhau trong vị dầu dấm hòa quyện thơm ngon, sẽ là món ăn ngon bổ sung rau cho bữa cơm nhà bạn.

Nguyên liệu và cách làm:

– Dưa leo, cà rốt, hành tây, rau diếp (xà lách), cải mầm, cà chua bi …và những loại rau quả bạn cảm thấy phù hợp.
– Các loại rau củ đem rửa sạch, sau đó sơ chế:

– Dưa leo xắt lát mỏng hoặc xắt khúc nhỏ
– Cà rốt gọt vỏ, xắt sợi
– Hành tây xắt lát mỏng
– Rau diếp cắt đôi
– Cà chua bi cắt đôi

Bỏ tất cả nguyên liệu rau củ vào tủ lạnh.

Tiếp theo ta làm nước dầu dấm để trộn rau:

– 150g giấm nho hoặc dấm thường + 200g dầu olive hoặc dầu mè + 50g rượu mirin hoặc rượu nấu ăn + 70g xì dầu + 80g nước đường + 1 muỗng canh tỏi băm + 20g gừng ngâm chua hoặc 1 muỗng cà phê gừng băm + 1 muỗng canh ngò băm + 1 muỗng cà phê tiêu + 1 muỗng cà phê dầu mè.

– Trộn đều lên thành hỗn hợp dầu giấm.

– Lấy rau củ đã sơ chế ra khỏi tủ lạnh, rưới dầu dấm lên. Trộn đều trước khi ăn.

Hàn Giang