Chè BÀ CỐT là món chè dân dã và trông có vẻ mộc mạc nhưng khi ăn rồi nhiều người sẽ thấy mê đắm vì hương thơm nồng nàn quyện trong những hạt nếp dẻo ngọt dịu, món chè còn rất bổ dưỡng và hiệu quả trong việc phòng ngừa cảm cúm, trị ho. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm chè bà cốt theo kiểu cổ truyền của Hà Nội.

+ Nếp cái hoa vàng: 2 lạng
+ Đường nâu
+ 3-4 nhánh gừng tươi
+ Nồi có đế dày, thành cao để giữ nhiệt là nấu chè dẻo ngon nhất và cũng tránh cho chè bị trào
+ Xôi vò (ăn kèm, tùy thích). Xem CÁCH LÀM XÔI VÒ
– Gừng giã nát, cho vào miếng vải mỏng túm lại vắt lấy nước cốt


– Đun sôi 1800ml nước
Trong lúc chờ nước sôi thì thắng nước đường (làm nước hàng):
Bắc nồi hoặc chảo, cho 3-4 muỗng đường vào nấu nhỏ lửa cho đường tan, hơi sẫm màu thì nhấc nồi khỏi bếp, đường sẽ tiếp tục chuyển sang màu cánh gián. Lúc này bạn cho chút nước vào nồi khuấy lên cho tan đều là được. Nhớ nếm thử xem nước hàng có bị khét không, khét thì làm lại nước khác. Nước hàng này cũng có thể dùng kho thịt, kho cá… bạn có thể làm nhiều để giành dùng dần.
– Nước sôi rồi thì ta cho đường nâu đã chuẩn bị vào khuấy tan, sau đó cho nước hàng vừa làm vào, nhớ nêm nếm kiểm soát độ ngọt vừa ý.
– Trong lúc nước đang sôi ta cho gạo nếp đã ngâm vào, khuấy đều. Nồi chè sôi lại lần nữa, ta dùng đũa khuấy đều rồi vặn nhỏ lửa liu riu để ninh nếp cho nhừ. Trong khi ninh thỉnh thoảng vẫn dùng đũa khuấy nhẹ cho nếp tơi.
– Nếp hơi nở, ăn thử thấy chín rồi thì tắt bếp. Để yên vậy, nếp sẽ tiếp tục nở từ từ, lúc này cũng nhớ dùng đũa khuấy nhẹ nồi (không dùng muỗng hay vá khuấy kẻo làm nếp bị nát).

– Chờ tới khi nồi hạ nhiệt, còn âm ấm là nếp đã tới. Lúc này ta lại vặn bếp lên (lửa nhỏ) cho nồi nóng lên, nêm nước cốt gừng đã vắt khi nãy vào từ từ cho tới khi cảm thấy vừa khẩu vị là được.
– Tắt bếp, ăn khi còn âm ấm.


– Bạn có thể ăn món này kèm với XÔI VÒ. Xôi vò rất dễ làm, bạn có thể tham khảo công thức sau đây: CÁCH LÀM XÔI VÒ.