Cách nấu CANH BÓNG THẢ thơm ngọt mát lành

Món canh bóng mọc thả thường có mặt trong các mâm cỗ truyền thống. Đây là món ăn ngon hấp dẫn nhiều người với vị ngọt của nước dùng gà, mùi thơm hấp dẫn của gừng và viên mọc, nấm hương.

  • Bóng bì: 1/2 lạng
  • Tôm tươi: 1,5 lạng
  • Giò sống: 2 lạng
  • Nấm hương: 10 cái
  • Cà rốt, su hào, bông cải: mỗi thứ nửa cái
  • Thịt thăn heo: 1 lạng
  • Hành lá, ngò rí, gừng, rượu trắng, gia vị các thứ
  • Xương gà rửa sạch, cho vào nồi cho thêm nước và 1 mẩu gừng to đập dập vào nấu lấy nước dùng, nhớ hớt bọt cho sạch.
  • Thịt thăn heo luộc chín. Thái miếng vừa ăn.
  • Bóng bì ngâm nước vo gạo rồi xát qua gừng, rửa qua rượu trắng để khử mùi và làm trắng bóng bì. Xả bóng bì lại với nước lạnh cho sạch. Để ráo. Thái miếng nhỏ vừa ăn.
  • Tôm lột vỏ rút chỉ bỏ đầu đuôi, xẻ dọc lưng để khi chín tôm banh ra cho đẹp.
  • Nấm đông cô ngâm nước ấm cho mềm, rửa sạch, cắt chân rồi nhồi (ịn) giò sống vào mặt dưới của nấm. LÀm lần lượt cho hết giò sống. Luộc nấm cho vừa nổi thì vớt ra.

  • Su hào, cà rốt, súp lơ rửa sạch kĩ rồi xắt miếng vừa ăn. Chần qua nước sôi cho gần chín rồi xả lại nước lạnh.
  • Bắc chảo cho ít dầu rồi cho su hào, cà rốt, súp lơ, bóng bì vào xào cho rau vừa chín, đừng xào nát.

Thưởng thức

  • Nồi nước dùng nấu sôi thì nêm nếm gia vị cho vừa miệng.

  • Chuẩn bị tô để múc canh. Xếp rau củ các thứ vào tô cùng thịt thăn, bóng bì, tôm tươi, nấm hương bọc giò sống, hành lá thái nhỏ lên. Trước khi ăn chan nước dùng nóng hổi vào. Ăn nóng.

Yêu cầu

  • Canh bóng thả ngon khi nước dùng ngọt thanh, rau củ chín nhưng giòn, nấm mềm, mọc thơm, bóng dai ngon không để lại mùi.

Bảo Tọa (cách nấu món ăn ngon)

15 phút là có món GỎI XOÀI KIỂU THÁI LAN thơm ngon hấp dẫn hết ý

Các món ăn của Thái Lan thường ‘đụng’ tới đáy lòng của người mê ẩm thực nhờ vị chua thơm và cay khi phối hợp các nguyên liệu lại với nhau. Gỏi xoài Thái là món ăn đơn giản mang đủ những tính cách như vậy. Cách làm gỏi xoài Thái sau đây sẽ mang lại cho gia đình bạn một món gỏi ngon trong bữa cơm gia đình cũng như làm mồi nhậu lý tưởng.

Chuẩn bị nguyên liệu làm món gỏi xoài kiểu Thái Lan.

  • 2 trái xoài chua
  • 3 muỗng súp nước mắm
  • 2 muỗng súp đường
  • Hành tím: 1 củ to
  • Ớt bột hoặc ớt tươi, vài tép tỏi
  • Đậu phộng rang rây bỏ vỏ hoặc hạt điều rang
  • Rau húng, mùi tàu

Các bước thực hiện cách làm món GỎI XOÀI KIỂU THÁI

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:

– Rau củ quả rửa sạch các thứ.

– Xoài gọt bỏ vỏ, gọt mỏng để còn mùi thơm. Sau đó dùng dao bén băm dăm dọc thân xoài rồi thái ra thành những sợi nhỏ. Cách này giúp xoài có độ giòn, thay vì nhũn ra như khi dùng đồ nạo.

Bước 2: Pha nước trộn gỏi:

– Pha hỗn hợp gồm: 3 phần nước mắm + 2 phần đường + hành tím băm, tỏi băm, ớt + nêm nếm lại cho chua ngọt kích thích là được. Nhớ điều chỉnh lượng đường theo độ chua của xoài để trung hòa chua ngọt.

Bước 3: Trộn gỏi:

– Chuẩn bị thau hoặc tô to, cho xoài và đậu phộng vào rồi chan nước trộn vào, trộn lên cho thật đều. Tiếp theo cho rau thơm vào trộn chung, chờ 5 phút cho ngấm gia vị là xong.

Món này có một nguyên liệu quan trọng là hành củ / hành tím, nó tạo nên hương vị đặc trưng của Thái, khác biệt với các món gỏi xoài ta hay ăn vì vậy có quên rau thơm thì quên đừng bao giờ quên hành trong món này.

Bảo Tọa (món ăn ngon)

 

Cách nấu món BÚN SƯỜN CHUA hấp dẫn đầy đủ dinh dưỡng cho gia đình

Bún sườn chua ngon bởi cái hấp dẫn đặc trưng của sườn non, giò sống, hòa trong nước chua ngọt giúp món ăn không bao giờ bị ngán.

Nguyên liệu chuẩn bị cho món bún sườn chua:

  • Sườn non: nửa kí
  • Giò sống: 2 lạng
  • Nấm mèo: 3-5 cái
  • Dọc mùng: 1 bó
  • Cà chua: 2 trái
  • Me chua: 1 trái
  • 1/4 trái dứa
  • Hành củ: 2 cái
  • Mùi tàu: 1 bó
  • Bún, gia vị các thứ

Cách làm bún sườn chua thơm ngon hấp dẫn:

Sơ chế nguyên liệu:

– Cà chua bổ múi cau. Me cạo vỏ, bẻ nhỏ. Dứa thái nhỏ. Hành tím băm nhỏ. Mùi tàu thái nhỏ.

– Dọc mùng tước xơ, thái khúc vừa ăn rồi ngâm nước muối loãng 10 phút. Đeo găng tay vào vắt dọc mùng cho ra nước. Rửa lại nước lạnh. Bắc nồi nước nấu sôi rồi chần dọc mùng qua rồi vớt ra dĩa.

– Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho mềm, rửa sạch rồi thái vụn. Trộn chung với giò sống + 1/2 mcf tiêu + 1/2 mcf hạt nêm. Vê thành viên nhỏ vừa ăn.

– Sườn rửa sạch trụng qua nước sôi rồi xả lại nước lạnh cho sạch, để ráo, sau đó chặt khúc vừa ăn, ướp với chút muối, hạt nêm, tiêu 20 phút.

– Bắc nồi lên bếp cho ít dầu ăn làm nóng rồi phi thơm hành củ băm, sau đó cho sườn vào xào săn.

– Châm nước ngập sườn. Cho me vào cùng nấu sôi, nhớ hớt bọt. Vặn nhỏ lửa ninh tới khi sườn mềm thì vớt sườn và me ra.

Thực hiện nấu bún sườn chua

Châm thêm nước vào nồi cho đủ ăn, rồi cho mọc vào nấu tới khi mọc chín nổi lên thì vớt mọc ra riêng. Cho me đã nấu sôi cùng sườn ban nãy vào chén nước nóng, dầm me cho nhừ, rồi đổ trở lại vào nồi nước dùng. Cho tiếp cà chua và dứa vào nấu chín mềm. Nêm thêm đường và muối cho vừa vị chua ngọt.

Khi ăn xếp bún – sườn – mọc – cà chua – dọc mùng rồi chan nước dùng ngập bún, rắc tiếp hành ngò, ăn với rau thơm như tía tô, ngò, và các loại rau sống tùy thích.

Móc bún sườn chua tuy không kỳ công nhưng chắc chắn sẽ mang lại cho gia đình bạn một bữa ăn thích thú và bổ dưỡng.

Bảo Tọa

 

Cách làm BÁNH ĐÚC LÁ DỨA

Bánh đúc lá dứa hay bánh đúc ngọt là kiểu bánh đúc đặc trưng của miền nam, với kết cấu dai dai, vị thơm của lá dứa, ăn cùng nước cốt dừa, mè rang.

Nguyên liệu làm BÁNH ĐÚC LÁ DỨA

  • – 1,5 lạng bột gạo
  • – 1,5 lạng bột năng
  • – 1 bó lá dứa
  • – Màu thực phẩm xanh lá cây (nếu muốn xanh bắt mắt)
  • – 2 thìa canh dầu ăn
  • – 2 lạng đường thốt nốt hoặc đường nâu
  • – Mè rang
  • – 1 chén nước dừa
  • – Gừng vài lát đập dập.

Cách làm bánh đúc ngọt:

– Lá dứa rửa sạch, cắt nhỏ, xay nhuyễn cùng 200ml nước rồi lọc bã, lấy độ 250ml nước cốt.

Nhào bột: Bánh đúc ngọt làm vân hai màu nên ta chia bột ra làm 2 phần:

  • Bánh màu trắng: 75g bột năng + 75g bột gạo + 250ml nước + chút muối + 1 thìa cafe dầu ăn. Trộn lên cho đều.
  • Bánh màu xanh: 75g bột năng + 75g bột gạo + 250ml nước cốt lá dứa (không đủ thì châm nước thêm) + 1 thìa cafe dầu ăn + màu xanh tùy thích. Quậy lên cho đều.
  • Để bột nghỉ 20 phút.

Đúc bánh:

Lấy khuôn làm bánh ra, quết lớp dầu ăn mỏng vào mặt khuôn, để sẵn.

Bắc một lúc hai cái nồi lên bếp, cho mỗi hỗn hợp vào một nồi, vừa nấu vừa quậy cho bột mịn, chín tới và còn dẻo nóng thì nhanh tay trút hai chỗ bột vào với nhau trộn lên để tạo vân.

Rồi nhanh tay ép bột vào khuôn. Đợi nguội.

 

Trong lúc chờ cho nguội, ta làm nước cốt dừa:

  • Bắc cái nồi nhỏ, cho nước cốt dừa vào nấu sôi rồi thêm 1 muỗng cafe đường, chút muối, 1/2 muỗng cafe bột năng (đã hòa tan trong nước), 1/2 muỗng cà phê bột gạo, xíu nước lạnh, khuấy lên cho đều, nấu cho sền sệt lại. Nếm cho vừa béo ngọt mặn là ok.

Làm nước đường:

  • Bắc cái nồi, cho đường vào cùng 200ml nước, 2 -3 lát gừng, nấu cho đường tan ra, khuấy cho hơi dẻo như đường ăn tào phớ đậu hũ.

Khi bánh nguội thì lấy khỏi khuôn, cho ra dĩa, chan nước cốt dừa và nước đường, rắc mè rang lên. Ăn rất ngon!

Bảo Tọa

Cách làm VỊT QUAY CHAO LẠNG SƠN

VỊT QUAY LẠNG SƠN quay cùng lá mắc mật, thêm chao nữa để miếng thịt càng thêm đậm đà. Công thức do Thái Sơn (Văn Lãng, Lạng Sơn) chia sẻ.

Nguyên liệu:

 

 Vịt béo 1 con khoảng 1,5kg

Chao 4 miếng, 1 thìa mật ong

1 nắm lá mắc mật

1 thìa canh tương khô

4 của hành to

1 củ tỏi, giấm 1 bát nhỏ

 

Cách làm:

 

– Vịt rửa sạch, bôi qua chút rượu trắng để khử mùi, chú ý lấy phổi ra bỏ đi
– Lá mắc mật băm nhuyễn, hành băm nhuyễn, tỏi băm nhuyễn, trộn đều với chao, tương khô, cho thêm ít bột ngọt nhồi vào bụng vịt, khâu kín lại phần cổ dùng dây thắt lại.
– Dùng 1 chiếc kim tiêm luồn nhẹ vào phần chân vịt được cắt ra luôn lên phần đùi bơm phông da vịt lên, lau sạch khô,
– Lấy mật ong hòa dấm xoa đều khắp người con vịt,
– Bỏ vào lò nướng 30p, rồi bỏ ra chao trên dầu nóng khoảng 20p cho vịt vàng đều óng,
– Lưu ý cắt chân, đầu, cánh cắt 1 nửa,
– Đây là cách làm vịt quay lạng sơn kết hợp với chao, chúc mọi người thành công

KHÁM PHÁ MÂM CỖ ĐẬM VỊ NÚI RỪNG CỦA NGƯỜI THÁI Ở LAI CHÂU

Ẩm thực của người Thái ở Lại Châu nói riêng và người Thái nói chung là một nền ẩm thực lâu đời, dựa trên sự kết hợp những nguyên liệu trên rừng dưới suối với các loại gia vị thảo mộc tự nhiên không chỉ đậm đà, kích thích khẩu vị mà còn tốt cho sức khỏe. Các món  ăn của người Thái không được trình bày bắt mắt, nhưng khi thưởng thức xong, ai cũng có thể nghiện vì sự quyến rũ của hương vị núi rừng.
Sau đây mời các bạn điểm qua những món ăn độc đáo của người Thái trắng trong dịp lễ hội Then Kin Pang, ở Khổng Lào (Lai Châu). Đây là một lễ hội văn hóa tâm linh quan trọng của người Thái, và cũng là dịp để bạn khám phá rất nhiều món ngon vật lạ của đồng bào Thái nơi đây.

Ăn cỗ là một phần không thể thiếu của dịp lễ hội, những mâm thức ăn đầy ắp, nghi ngút tỏa hương mời gọi.

Cá bống suối thịt chắc, ngọt, gói với lá dong rồi vùi tro tạo nên hương vị rất hấp dẫn.

Canh rêu, món ăn nổi tiếng của đồng bào vùng cao.

Pa Pỉnh Tộp – món cá nướng ‘danh bất hư truyền của người Thái.

Trong khi các nhà hàng trên thế giới mới bắt đầu phát hiện ra vị ngon của Dế mèn, thì loài côn trùng này đã có mặt trên bàn ăn của người Thái từ rất lâu rồi.

Ếch vùi trong tro, dậy mùi phưng phức.

Măng đắng – đặc sản mà người miền xuôi nào cũng muốn mang về nhà làm quà.

Nộm măng diềm ăn với các loại lá rừng.

Nộm rau sắng – hay còn gọi là rau mì chính. Loại rau  từng được nhiều văn nhân thi sĩ ca ngợi.

Thịt bò nướng của người Thái.

Trâu nấu nấu lá lồm.

Ve sầu chiên giòn cũng là một món lạ không thể bỏ qua.

Xôi nếp nương được nhuộm màu bằng màu sắc lá rừng tự nhiên.

Theo Lê Bích

Cách làm XÔI VÒ

Xôi vò là món ăn truyền thống giản dị nhưng ngon miệng. Xôi vò ngon khi có hạt nếp chín dẻo, thơm, tơi và bám đều đậu xanh.

Nguyên liệu:

– 1 ký nếp bắc
– 5 lạng đậu xanh không vỏ
– Nước cốt dừa
– Muối, dầu ăn

Cách làm xôi vò:

– Nếp mua về vò sạch, ngâm nước lạnh từ 8- 10 tiếng rồi vớt ra để cho thật ráo.
– Xóc nếp với 1mcf muối vụn.
– Đậu xanh vo sạch, ngâm nước 3-4h rồi vớt ra để ráo, xóc với 1/2 muỗng cafe muối cho đều rồi hấp chín (khoảng 20-25 phút là chín), để nguội rồi xay thật nhuyễn.


– Trộn 1/2 lượng đậu xanh đã xay với nếp + 50g nước cốt dừa + 1 muỗng canh dầu ăn, trộn cho thật đều.
– Cho nếp trộn đậu xanh vào xửng hấp: hấp 15 phút đầu không mở nắp, sau đó mở nắp hấp tiếp tới khi nước sôi nhẹ thì đậy nắp, hấp cho chín hẳn.


Khi hấp nhớ tạo những cái lỗ trên mặt lớp nếp để nếp chín đều.


– Xới sôi ra mâm, để cho nguội bớt rồi trộn phần đậu xanh xay còn lại vào cho thật đều (nếu ăn ngọt thì cho thêm đường vào lúc này).

Bảo Tọa

CÁCH LÀM HÀNH PHI GIÒN THƠM NGON HẤP DẪN

Hành phi là loại phụ liệu hấp dẫn cho nhiều món ăn tuy vậy nếu mua hành phi làm sẵn thì rất ngại về vấn đề vệ sinh cũng như chất lượng, sau đây là cách làm hành phi chuẩn thơm, giòn, tuy hơi mất công nhưng đảm bảo cho gia đình bạn món hành phi tuyệt hảo.

Nguyên liệu tự làm HÀNH PHI

  • 500gr hành tiều
  • 500ml dầu ăn

Cách làm HÀNH PHI giòn ngon 

Bước 1 – bóc vỏ hành, có một mẹo vặt cho những ai sợ cay mắt như mình. Ngâm cái dao vào thau nước thường trực khi bóc vỏ hành để hạn chế bị cay mắt.

Bước 2- cắt hành ra cho vào cái nia đem phơi nắng cho hành héo bớt, nếu không có nhiều thời gian có thể cho vào oven, vặn 115 độ F trong 2 tiếng đồng hồ.

Bước 3- Cho 500ml dầu vào cái chảo gang, khi dầu nóng (đưa chiếc đũa vào thấy lên tim sôi) cho hành vào, thỉnh thoảng đảo đều.

Bước 4- Khi thấy hành sắp chuyển màu ánh vàng, tắt bếp. Cho hành hạ nhiệt trong 3 phút.

Bước 5- Sau khi hành đã được hạ nhiệt, vặn lửa lên tiếp, lúc này hành sẽ phồng lên, trông rất giòn, đảo đều tay cho hành vàng đều. Lưu ý là sau khi hành phi nguội màu sẽ đậm hơn 1 shade, nên điều chỉnh tuỳ do bạn. Hôm nay mình làm hơi đậm hơn mọi khi vì hành phi này dùng cho món gỏi bò, cần phải có độ giòn nhất định.

Bước 6- Chắt hành phi ra cái rổ hoặc vợt inox để ráo dầu. Giữ dầu này lại để dành xào nấu những món ăn bình thường.

(THEO Madison Pham)

Cách làm MÌ KHÔ XÁ XÍU SỐT DẦU HÀO

Mì Khô Sốt Dầu Hào là món mì trộn khá đơn giản mà hương vị rất hấp dẫn khiến ít ai có thể chối từ.

Nguyên Liệu làm MÌ KHÔ SỐT DẦU HÀO:

  • *500gr thịt thăn heo, 1/2 gói gia vị để làm xá xíu, 1 lon coco rico hoặc trái dừa tươi, và 3 tép tỏi, 1 mc dầu ăn & 1 cup nước lạnh.
  • *200gr thịt heo xay+hành+tiêu+đường+hạt nêm+muối
  • *5-6 vắt mì trứng
  • *dầu hào, xì dầu, đường, giấm đỏ
  • *hẹ, salad, da heo hoặc tép mỡ, tỏi phi.

Cách làm xá xíu:

– Thịt heo rửa sạch để ráo, ướp vào 1/2 gói gia vị xá xíu màu đỏ, nếu được ướp qua đêm cho thấm gia vị, còn không ướp ít nhất 60 phút.
Cho vào 1mc dầu ăn trong chảo nóng, đập dập 3 tép tỏi, cho vào phi thơm, sau đó cho miếng thăn heo vào áp chảo cháy cạnh 2 bên, lúc này cho vào nước dừa tươi hoặc 1 lon coco rico và 1 cup nước lạnh. Chụm lửa riu riu, thỉnh thoảng vớt bọt và trở bề cho cả 2 bên mặt xá xíu thấm đều. Khi nước thịt xá xíu kẹo xuống là được, lúc này các bạn có thể tắt bếp.

– Thịt heo xay ướp với 1mcf đường, 1mcf hạt nêm, 1/2mcf muối, một ít tiêu & hành hương. Cho lên bếp xào cho chín.

Nước sốt dầu hào:

– 3 mc dầu hào loại thượng hạng cho đỡ mặn
– 2mc xì dầu, 2mc đường, 2mc giấm đỏ, 6mc nước súp gà hoặc nước lạnh.
– Dùng 2mcf dầu phi hành hoặc tỏi cho vào chảo, khi dầu nóng thì cho tất cả các hỗn hợp trên vào nấu sôi lên, chụm lửa riu riu cho các hỗn hợp sến lại tí xíu là được.

– Nếu thay thế tép mỡ bằng da heo thì nhớ chiên sơ da heo lại rồi trộn với tỏi phi cho thơm.

– Mì trụng cho vào tô cho một ít hẹ và salad, xá xíu thái mỏng vừa miếng ăn, cho vào ít thịt heo xay, sau đó cho vào 1mc sốt dầu hào, cuối cùng cho vào tép mỡ hoặc da heo và tỏi phi. Khi ăn trộn tất cả hoà quyện lại.

– Món này ăn khô nhưng có thể dùng chung với 1 chén súp để riêng. ????

Theo Madison Pham 

Cách nấu BÚN SUÔNG ngon lạ

Bún suông là món ăn của miền tây sông nước, tuy tên gọi là “suông” nhưng cách làm khá “phức tạp”, nhưng khi thưởng thức thành quả bạn sẽ cảm thấy rất xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

16-613615-1368254257_600x0.jpg

Nguyên liệu (cho khoảng 5-6 tô):

– 800g xương lợn, 1 củ cải trắng to, 1 nhúm tôm khô
– 500g tôm đất, muối, hạt nêm, dầu điều, hạt tiêu, tỏi, hành khô, bột năng
– 300g thịt ba chỉ
– Bún, giá, xà lách xoăn, rau thơm, hành phi, chanh, ớt rau mùi, hành lá.

Cách làm:

Bước 1:

– Xương lợn rửa sạch, đun nồi nước sôi cho xương lợn vào luộc khoảng 3 phút, sau đó đem rửa lại với nước lạnh cho thật sạch.

– Cho xương lợn vào nồi, thêm tôm khô, củ cải gọt vỏ cắt khoanh tròn rửa sạch, đun sôi, thỉnh thoảng hớt bỏ bọt cho nước dùng được trong. Đun khoảng 2 tiếng.

Bước 2:

– Bóc bỏ vỏ tôm đất, rút chỉ đen, ngâm tôm vào âu nước muối pha loãng, ngâm khoảng 15 phút sau đó rửa lại cho thật sạch, để tôm lên rổ cho thật ráo nước.

Bước 3:

– Tỏi, hành khô bóc vỏ, băm sơ.

– Cho tôm, tỏi, hành khô vào máy xay, xay thật mịn. Nếu không có máy bạn có thể băm nhuyễn tôm và trộn lẫn với tỏi, hành khô đã băm.

Bước 4:

– Cho tôm vào âu sạch, thêm hạt tiêu, một thìa nhỏ màu dầu điều (để tạo màu), một thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ hạt nêm, hai thìa nhỏ bột năng, trộn đều, dùng thìa quết nhiều lần để tôm được dai. Dùng màng thực phẩm bọc kín cho vào tủ đông khoảng 2 tiếng.

Bước 5:

– Thịt ba chỉ rửa sạch, cho vào nồi luộc chín.

Bước 6:

– Để thịt nguội, thái lát vừa ăn, xếp thịt ra đĩa.

Bước 7:

– Phần tôm sau khi ướp, bạn lấy ra dùng thìa quết nhuyễn một lần nữa để tôm được dai.

– Cho tôm vào túi nilon sạch, cắt đầu bao.


Bước 8:

– Nồi nước dùng sau khi xương mềm, bạn lọc lại lấy phần nước hầm.

– Dùng nồi nhỏ khác, thêm ít màu dầu điều cho đẹp, phi tỏi thơm, đổ phần nước dùng đã lọc vào, thêm vào một ít muối, gia vị cho vừa ăn.

Bước 9:

– Khi nồi nước dùng sôi, bạn dùng tay nặn phần tôm vào nồi nước dùng, phần chả tôm dài hay ngắn tùy theo sở thích của bạn, làm cho hết phần tôm. Tiếp tục đun khoảng 5-10 phút, đến khi phần tôm chín, nổi lên bề mặt, bạn nêm nếm lại tùy theo sở thích.

Bước 10:

– Giá nhặt sạch, rửa sạch, để lên rổ cho ráo nước.

Bước 11:

– Xà lách xoăn rửa sạch, cắt làm đôi nếu nhánh xà lách dài.

– Rau thơm nhặt lấy lá, bỏ cọng, rửa sạch.

Bước 12:

– Khi dùng, xếp bún vào tô, thêm ít lát thịt ba chỉ.

Bước 13:

– Chan nước dùng và cho phần chả tôm vào, rắc hành lá, rau mùi, thái nhỏ lên bề mặt và cuối cùng là hành phi, trộn đều lên dùng nóng. Dùng kèm với giá, xà lách, ớt, chanh và rau thơm.

Cún Khang